Bốn năm trước. Một đêm sau buổi bia hơi với mấy anh trong ngân hàng, tôi và một anh trong nhóm rủ nhau ghé lại một xe bán xôi khuya trên cầu, vừa ăn vừa hóng gió. Không biết vì mấy cốc bia hay vì ánh đèn đường về khuya mà anh bỗng thở dài rồi nói:
“Hoàng, cái hệ thống tụi em làm đang thay thế công việc của nhiều bạn trong team... kể cả anh.”
Tôi ngạc nhiên. Ủa, từ khi nào mà mình lại thành người đi “đá chén cơm” của người khác như vầy?
Câu nói ấy cứ quanh quẩn trong đầu tôi đến tận bây giờ. Tôi bắt đầu tự hỏi:
- Tôi có thật sự đá chén cơm của ai không?
- Rồi có ai đá chén cơm của tôi không?
- Liệu sự phát triển có thực sự đạp đổ chén cơm của tất cả chúng ta?
Lịch sử không lặp lại, nhưng nó có vần có điệu.
— Mark Twain
Vậy thì cái chuyện đá chén cơm này chắc cũng không phải là chuyện mới mẻ gì.
Những cú đá huyền thoại trong lịch sử
Công nhân in ấn vs. Máy in của Gutenberg vào thế kỷ 15
Khi Gutenberg phát minh ra máy in, các thợ sao chép sách hoảng loạn, tưởng như ngày tận thế của nghề mình đã đến. Thay vì cặm cụi viết từng trang, giờ chỉ cần một cỗ máy là in ra hàng loạt cuốn sách. Và như một phản ứng tự nhiên, các thợ sao chép kéo nhau đi đốt nhà in. "Sao mày dám đá chén cơm của tao?" – chắc hẳn họ đã nghĩ vậy.
Luddites và Máy dệt ở thế kỷ 19
Đến đầu thế kỷ 19, khi những chiếc máy dệt tự động xuất hiện, các thợ dệt thủ công ở Anh cũng “không hài lòng” chút nào. Phong trào Luddites ra đời, chuyên đi phá hủy máy dệt, và thế là cuộc chiến giữa con người và máy móc diễn ra. Họ đánh nhau với cả... khung cửi!
Nhưng rồi điều gì đã xảy ra?
Sau không biết bao nhiêu cuộc chiến chống lại máy móc, nhân loại vẫn tiến lên, và trớ trêu thay, thế giới lại tốt đẹp hơn. Nếu không có máy in, liệu chúng ta có tiếp cận được với tri thức nhanh như bây giờ? Nếu không có công nghiệp hóa, liệu có đủ lương thực và hàng hóa cho một dân số ngày càng tăng?
Sự tiến bộ, thực tế mà nói, không chỉ “đá chén cơm” mà còn tạo ra những “cái chén” mới. Khi máy in ra đời, tri thức được lan tỏa rộng rãi hơn, người người nhà nhà được tiếp cận với sách vở. Khi công nghiệp hóa phát triển, thay vì lao động chân tay khổ cực, người ta bắt đầu vận hành máy móc và học thêm nhiều kỹ năng mới.
Chúng ta không thể đối phó với sự tiến bộ công nghệ bằng cách chỉ đơn thuần lùi lại và hoài niệm về những ngày xưa cũ.
— không rõ tác giả
Còn AI thì sao?
Thời gian gần đây, chúng ta không thể không nhắc đến một tay chơi mới đầy quyền lực – Trí tuệ nhân tạo. Chỉ trong vài năm AI đã có những bước phát triển vượt bậc, từ việc xử lý ngôn ngữ, sáng tạo nội dung đến cả điều khiển máy móc. Và dĩ nhiên, mối lo về việc AI “đá chén cơm” của người lao động lại càng tăng lên. Nhiều người sợ rằng robot và AI sẽ thay thế công việc của họ, từ những tác vụ văn phòng đơn giản cho đến cả những ngành nghề có tính sáng tạo.
Tôi cũng có lo ngại như thế. Nhưng thay vì chống lại AI hay cố gắng chê bai nó để hạn chế sự phát triển, tôi chọn một con đường khác: hợp tác. AI không phải kẻ thù, mà là người đồng hành, một công cụ mạnh mẽ có thể giúp con người làm việc nhanh hơn, tốt hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng AI sẽ chỉ thay thế những công việc mang tính lặp lại, cơ bản. Còn những công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo, cảm xúc, và khả năng đưa ra quyết định phức tạp – đó là lãnh địa của con người.
AI sẽ không thay thế con người — Những người biết sử dụng AI sẽ làm điều đó.
— không rõ tác giả
Vấn đề là, nếu ai đó sống và làm việc như một cái máy, không có sự sáng tạo, không suy nghĩ độc lập, thì đúng, họ sẽ dễ dàng bị thay thế bởi AI. Nhưng nếu chúng ta tận dụng tư duy – thứ làm nên sự khác biệt duy nhất của loài người – thì AI sẽ chỉ là công cụ giúp chúng ta tiến xa hơn.
Vậy sau tất cả chúng ta rút ra được gì?
Có thể, mỗi chúng ta đều đã “đá” chén cơm của ai đó vào một thời điểm nào đó mà không hay biết. Nhưng không phải lúc nào điều đó cũng xấu. Đôi khi, sự thay đổi chính là cơ hội để chúng ta thích nghi và tiến bộ. Giống như việc bạn đang đọc bài viết này – nhờ vào những phát minh và sự tiến bộ của công nghệ. Nếu không, thì ai biết được tôi sẽ phải viết tay và gửi cho bạn qua... bồ câu chăng?
Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót
— Charles Darwin
Sự phát triển không chờ đợi ai cả. Nó cứ thế mà tiến tới, kéo theo những thay đổi mà đôi khi chúng ta không thể nào ngờ tới. Nhưng nếu biết cách thích nghi, chúng ta không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Homo sapiens đã tiến hóa suốt hàng triệu năm, và sự thích nghi chính là chìa khóa. Có lẽ đó là điều mà chúng ta cần nhớ nhất.
Vậy, có phải ai cũng đang “đá chén cơm” của người khác không? Câu trả lời có thể là “có”. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, sự tiến bộ và thay đổi luôn mở ra những cánh cửa mới, chỉ cần chúng ta sẵn sàng.
Và bước qua.